You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

1Kinh Nghiệm Thực Tập Ngoài Giàn Empty Kinh Nghiệm Thực Tập Ngoài Giàn Mon Jul 20, 2015 10:40 pm

Tuan Duong Tran

Tuan Duong Tran
Thành Viên OGC
Thành Viên OGC
Từ một cựu sinh viên HUMG chia sẻ.
Bài viết này là một bài viết tâm huyết của một người anh đi trước muốn gửi đến các bạn đang và sẽ thực tập ngoài giàn Khoan/Khai thác:

Một phần rất lớn sinh viên Dầu khí, đặc biệt 2 ngành Khoan Khai Thác và Thiết Bị Dầu Khí sẽ thực tập Offshore tại VietSov Petro nên guideline này sẽ được viết dành chủ yếu cho nhóm đối tượng đó. Với câu hỏi tập hợp từ những bạn sinh viên chuẩn bị đi giàn lần đầu tiên, câu trả lời từ kinh nghiệm của mình khi thực tập trước đó và quá trình đi giàn làm việc sau này.

1.Không khí ở ngoài giàn như thế nào? vui hay buồn, thoải mái hay nghiêm túc?

-Đi biển thực ra rất là buồn chán, chỉ háo hức hoặc lạ trong vài ngày đầu tiên. Với công nhân/kĩ sư đi giàn họ có công việc cụ thể để làm, để lo lắng, rồi mỗi ngày biển có tiền bonus nên nhìn chung còn đỡ, đối tượng sinh viên chúng ta ra đó hầu như không được động tay động chân làm hoặc nếu có chỉ là những việc giết thời gian là chính như vặn van (valve), quét sơn cạo gỉ, cộng với tâm lí xa đất liền nhớ nhà nên càng dễ buồn chán và nhanh mất tinh thần. Vì vậy, trước khi ra biển tốt nhất nên coi nó là một hành trình ngắn, có mục tiêu, lộ trình và kế hoạch cụ thể, mọi thứ càng cụ thể rõ ràng thì chuyến đi của bạn càng ý nghĩa và thu hoạch cao.

-Khách quan mà nói, để đưa được mỗi sinh viên ra giàn, VSP sẽ phải tài trợ tiền vé máy bay trực thăng 2 chiều, tiền ăn/ở trên giàn trong khoảng 1 ca biển (14 ngày), chưa kể chi phí rủi ro nếu chẳng may các bạn lên đó và táy máy làm hư hỏng đồ, ảnh hưởng đến sản xuất của họ, tổng số tiền này không hề nhỏ. Vì vậy, các bạn nên xác định trước mình ra đó là mất công sức của bản thân, của thầy, mất tiền tài trợ của VSP, chuyến đi này NÊN mang lại nhiều hiệu quả và kiến thức hơn là 2 tuần đi du lịch thông thường.

-Còn thực ra thì nếu bạn muốn, nó vẫn có thể chỉ là chuyến du lịch nhẹ nhàng để check in chụp ảnh. Mọi thứ tuỳ thuộc vào bản thân mình thôi.

2.Lên giàn cần chuẩn bị đồ đạc gì mang theo?

2.1.Trang phục:

Đồ bảo hộ: Mũ, kính, quần áo, giầy và găng tay lao động.

-Những đồ này là đương nhiên phải chuẩn bị đầy đủ, không chỉ bởi ra giàn quy định mặc đồ bảo hộ, mà còn vì chính an toàn của sinh viên - đối tượng lơ ngơ và dễ mắc sai lầm nhất trên giàn. Trong một số trường hợp, công nhân trên giàn chủ quan, không sử dụng đồ bảo hộ phù hợp (không đeo kính bảo hộ khi làm việc chẳng hạn), đây là một thói quen xấu và nên tránh - thay vì chúng ta bắt chước không đeo. Ví dụ, các bạn đóng vai “chuyên viên chống ăn mòn” (bắn gỉ, quét sơn), nguy cơ bị mạt sắt hay sơn bắn dính vào và hư mắt rõ ràng là có, đôi khi người trên giàn cũng cố tình lơ đi để xem sinh viên có tự ý thức về an toàn (sau khi học khoá an toàn trước khi ra biển) hay không. Nói chung, đã ra khỏi khu nhà ở và bước chân vào khu vực làm việc thì luôn mặc đầy đủ bảo hộ lao động và đừng chủ quan.

2.2.Quần áo thông thường:

-Kinh nghiệm của mình mỗi lần đi giàn là mang 3 bộ quần áo & khăn tắm riêng, ưu tiên mang đồ đã cũ. Mỗi lần bạn tắm xong và mang quần áo đi giặt, nó sẽ được giặt và làm khô rất nhanh, vì vậy không cần mang nhiều đồ để làm nặng thêm hành lí. 3 bộ quần áo, 3 đôi tất là đủ. Máy giặt trên giàn rất dễ làm hỏng quần áo, đôi khi room boy ẩu, họ đánh số phòng của mình bằng cách viết bút xoá lên áo hay thậm chí mang giặt chung với đồ bảo hộ dầu mỡ nên tốt nhất là đừng mang quần áo mới đi giàn, sau 1 ca biển về thấy áo của mình xấu hỏng đi nhiều rất là phí. Chưa kể đồ mới, đẹp còn dễ bị… cầm nhầm.

-Một số giàn ban đêm để điều hoà rất lạnh, vậy những ai chịu lạnh kém, sức khoẻ không tốt có lẽ sẽ cần thêm áo dài tay, áo khoác, máy sấy. Mình luôn mang theo 2 chiếc túi giặt (túi bỏ quần áo vào rồi kéo khoá lại, ném vào máy giặt), nó hạn chế được việc bị lẫn, bị “cầm nhầm” những thứ nhỏ nhặt như tất, quần, underwear. Và cần 2 túi để 1 chiếc bỏ quần/áo, một chiếc bỏ underwear/tất, nếu bỏ chung mọi thứ vào một túi nhiều khi sẽ không làm khô đều được giặt xong có cái khô cái ướt rất bất tiện.

2.3.Thuốc men:

-Thuốc ho, cảm, dầu gió, thuốc đau bụng nên được chuẩn bị sẵn. Ở giàn có Medic chuyên khám bệnh và phát thuốc nhưng còn rủi ro ở chỗ có những người từ nhỏ chỉ quen uống 1 loại thuốc hợp với mình thì nên tự chuẩn bị. Ra giàn rồi xin thêm thuốc nhỏ mắt về nhỏ hàng ngày nếu có làm những công việc như cạo gỉ.

2.4.Đồ dùng học tập:

-Sách vở, sổ tay thì tự chuẩn bị là đương nhiên rồi. Ngoài ra laptop thì optional, mang hay không tuỳ theo độ dũng cảm của bạn, như mình thì vẫn mang laptop đi học/làm việc và mang theo 2 ổ khoá nhỏ, khi đi ra khỏi phòng bỏ laptop vào tủ (trong phòng luôn có) rồi khoá 1 ổ lại, 1 ổ để dự phòng trường hợp mình làm mất ổ chính kia, hoặc cho thằng bạn cùng phòng mượn.

-Internet ở giàn cũng rất hạn chế, nếu có điều kiện bạn có thể tự chuẩn bị USB 3G (mua bản Universal xài được 3 mạng, rồi mua thêm 3 cái SIM Vina, Mobi, Viettel đi vì mỗi giàn thường một loại sóng riêng sẽ mạnh, hên xui). Như mình ngày trước là tự chuẩn bị USB, SIM, ra đó cắm vào laptop, bắt sóng 3G từ USB rồi phát wifi từ laptop cho cả 3 thằng cùng lớp còn lại xài chung - tất nhiên tiền thẻ do chúng nó đóng góp toàn bộ. Ngày đi làm, tối nghỉ ngơi Facebook up ảnh bét nhè. Nếu không, bạn nào đó có thể dùng chính điện thoại bắt sóng 3G rồi phát wifi qua chức năng personal hotspot, nhưng vụ này thì sẽ nóng máy và nhanh hết tiền lắm.

3.Những thông tin cần phải biết trên giàn?

Thực ra các bạn không cần quá lo lắng, vì sẽ có người hướng dẫn. Tuy nhiên, một vài thông tin như sau thì nên cố gắng ghi nhớ để tiện cho mình:

- Tên & vị trí phòng ở của 1 số vi trí quan trọng: giàn trưởng, bác sĩ, đốc công và người trực tiếp phụ trách đợt thực tập của mình. Đây thường sẽ là những người mình nên tiếp xúc trong đợt thực tập khi có việc cần.

- Phòng ở của mình, xuồng cứu sinh, phải làm gì khi giàn có tín hiệu báo động. Trường hợp tập báo động giả, bạn cần nhanh chóng ra khu tập trung và mặc áo phao, lấy bảng tên và báo cáo kịp thời, nó thể hiện sinh viên ra thực tập với thái độ chủ động của kĩ sư tương lai, hay vẫn chỉ là con cừu ngơ ngác ai bảo gì thì làm đó

- Vị trí, lối đi ra khu vực làm việc, nhà ăn, phòng giặt, khu giải trí, sân bay. Nói chung thì đường đi ngõ lại nên được làm quen và thuộc từ sớm. Trước khi ra giàn, bạn có thể tìm hiểu trước thông tin về giàn mình sẽ đi để biết thêm, thậm chí tìm cả sơ đồ khối của giàn để mường tượng từ trước họ sắp xếp logic như thế nào. Có nhiều bạn sinh viên mình để ý không biết cái giàn mình đi thực tập là loại giàn gì, thuộc mỏ nào, dùng ở mực nước bao nhiêu, khả năng khoan sâu được bao nhiêu, đặc điểm như thế nào, trong khi đó đều là kiến thức cơ bản các bạn hoặc đã được dạy ở trường, hoặc có thể tìm hiểu trên internet rất sẵn

- Thời điểm bắt đầu, kết thúc ca làm việc mỗi ngày, giờ họp giao ca, giờ nhà ăn mở/đóng cửa (rất quan trọng, vì có những giàn hết giờ ăn là khoá cửa khỏi vô lấy bánh ngọt và nhịn đói luôn).

4.Lên giàn thì phải cố mà xin tài liệu làm đồ án?

-Trước đây mình được các thầy dặn “lên đó cố gắng quan sát học hỏi và xin tài liệu về làm đồ án”. Đây thực ra là lời dặn đúng nhưng quá chung chung, đa phần sinh viên sẽ hiểu là “lên đó đừng có nghịch phá, lân la xin được tài liệu liên quan đến đồ án của mình thì tốt”. Khốn nỗi đa phần nhiều thằng còn chưa chắc mình sẽ làm đồ án về cái gì hoặc nếu có thì cũng không biết phải xin tài liệu gì cụ thể do chưa hiểu rõ đề tài. Chưa kể đa phần ở trên giàn là các công nhân/kĩ sư vận hành, chuyên môn của họ là vận hành chứ về lí thuyết tính toán sâu và công nghệ họ không nắm, cũng không nghiên cứu nhiều thì lấy gì mà cho.

-Người thì không biết phải cho cái gì, người thì cũng không biết phải xin cái gì. Theo kinh nghiệm cá nhân của mình thì trước khi đi thực tập nên trao đổi với thầy giáo để được tư vấn chi tiết các phân mục tài liệu/số liệu nên xin ở giàn khoan/khai thác mà mình sẽ lên, mà tốt nhất thì nên xin ở XN Khoan hoặc XN Khai thác từ trong bờ.

5.Kiến thức cần chuẩn bị trước khi lên giàn?

Như đã nói ở trên, các bạn là kĩ sư, được đào tạo để hiểu về cơ chế hoạt động của thiết bị và quá trình khoan/khai thác dầu khí. Vì vậy, mặc định là các bạn đã phải có kiến thức cơ bản rồi, ra giàn thực chất là cơ hội để nhìn tận mắt, sờ tận tay và hiểu xem thực tế người ta làm thế nào. Nên nếu trước đợt thực tập, chúng ta đọc và hệ thống hoá lại kiến thức về những-thứ-sẽ-có-trên-giàn thì sẽ tiếp cận chủ động hơn, công nhân viên họ nhìn sinh viên cũng sẽ khác.

Các bạn đi giàn khoan, nên tìm hiểu trước về:

- Các hệ thống của giàn: Hệ thống cung cấp điện, hệ thống treo thả bộ khoan cụ, hệ thống tuần hoàn dung dịch, hệ thống tạo chuyển động quay của cột cần khoan…v…v… trong mỗi hệ thống này có các thiết bị nào, cấu tạo ra sao, hoạt động theo nguyên lí nào, trường hợp nào dùng cái nào tắt cái nào. Ví dụ hệ thống tuần hoàn dung dịch nói riêng thường sẽ có: bể chứa (tank), sàn rung (shale shaker), các máy Desilter, desander, degasser (khử khí), bơm, ống đứng (stand pipe), ống mềm (hose), 2 đường ra/về của dung dịch chẳng hạn. Nói thì khó nhưng thực chất những kiến thức này trên Google rất sẵn chứ chẳng cần đi tìm sách hay tài liệu bí mật nào. Bạn search cụm từ khoá “Drilling Mud Circulation System”, qua phần hình ảnh là thấy ngay cái chuỗi mình vừa liệt kê.

Trường hợp không tìm được hoặc đọc tiếng Anh không hiểu thì gặp trực tiếp thầy xin tài liệu. Sau đó ra giàn bạn đi quanh và tìm kiếm/hỏi về vị trí của các bộ phận này, muốn hỏi gì thêm thì hỏi người phụ trách vận hành. Nếu có thể làm được như vậy thì bảo đảm sau đợt thực tập bạn nắm được kha khá kiến thức rồi.

- Các thiết bị CÓ MẶT TRÊN SÀN KHOAN: Cá nhân mình nghĩ đây là một mảng mà nhiều sinh viên không biết, hoặc biết một cách mù mờ. Trên sàn khoan (Rig Floor) sẽ có những gì, mục đích sử dụng ra sao, lúc nào dùng cái gì, tại sao dùng cái này mà không dùng cái kia, quá trình kéo/thả bộ khoan cụ, tiếp cần khoan diễn ra ntn..v..v.. Có một cách tưởng tượng đơn giản là thử Google hình ảnh từ khoá “Rig Floor” hay “Rig Floor equipment”, nhìn qua 1 vòng và thử đoán xem những thứ đó là gì, tại sao trong quá trình học mình nghe rồi nhưng không được nhìn thấy nó. Thậm chí nếu tìm kiếm trên Youtube sẽ có các video trực quan để thấy được từng thiết bị hoạt động luôn đó.

- Nhân sự/chức danh của 1 kíp khoan gồm những ai, nhiệm vụ chính của họ là gì..v..v…

- Các thông số trong quá trình khoan..v…v.. Nếu ai hên gặp đúng thời điểm ngoài giàn chuẩn bị bắt đầu khoan thì có thể căn giờ ra xem cách họ lắp bộ khoan cụ như thế nào.

Với các bạn đi giàn khai thác, thực ra cũng tương tự:

- Hệ thống sơ đồ giếng khai thác/bơm ép, hệ thống manifold dẫn dòng, hệ thống bể chứa/tách, các cơ chế tách thô/tinh ngoài giàn đến đâu, hoạt động ntn..v..v..
- Hệ thống đường ống dẫn dầu, sơ đồ các trạm trung chuyển, giàn khai thác - giàn công nghệ xử lý trung tâm..v..v..
- Hệ thống gas lift
- Tìm hiểu về nghệ thuật pha trà rót nước..v..v.. thực ra thì giàn khai thác luôn nhàn hơn giàn khoan rất nhiều.

Mình cũng mới nghĩ ra ngần đó thôi, cũng chỉ là dựa trên kinh nghiệm cá nhân của mình nên còn nhiều thiếu sót, mọi người ai có thêm kinh nghiệm phong phú khác có thể chia sẻ để các bạn sinh viên chuẩn bị ra giàn thực tập nắm được nhé Biểu tượng cảm xúc grin
https://www.facebook.com/TinTucDauKhi/photos/a.771162596306207.1073741828.770193969736403/861452243943908/?type=1&comment_id=861466643942468&ref=notif¬if_t=photo_comment

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết