You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

1Dầu Mỏ Và Cuộc Tình Tay Ba  Empty Dầu Mỏ Và Cuộc Tình Tay Ba Thu Mar 07, 2013 3:34 pm

tungth

tungth
Ban Chuyên Ngành
Ban Chuyên Ngành
Bất chấp cảnh báo từ cả Hoa Kỳ và Iraq, các công ty Thổ Nhĩ Kỳ, được hỗ trợ bởi chính phủ Ankara, đang tích cực thúc đẩy các thỏa thuận năng lượng trực tiếp với khu vực tự trị người Kurd ở Iraq. “Cuộc tình tay ba” vốn chỉ có động lực xoay quanh nguồn lợi dầu mỏ này dự đoán sẽ còn gây sóng gió lâu dài.


“Người thứ 3”

Chạy ngoằn nghèo theo con đường từ Kirkuk, một thành phố cách thủ đô Baghdad (Iraq) 240km về phía nam, xuyên qua khu tự trị Kurdistan và cắt ngang vùng phía đông Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ, đường ống dẫn dầu nối trung tâm dầu mỏ Kirkuk đến cảng Ceyhan (Thổ Nhĩ Kỳ) ở Địa Trung Hải đã từng vận chuyển mỗi ngày 1,6 triệu thùng dầu của Iraq ra thị trường thế giới và mang lại một khoản phí trung chuyển béo bở cho Thổ Nhĩ Kỳ. Sẽ chẳng có chuyện gì đặc biệt nếu đường ống này được quản lý bởi 2 quốc gia độc lập và nương tựa vào nhau bởi những lợi ích chung. Nhưng ngày nay, cán cân quyền lực đã thay đổi và xuất hiện thêm bên thứ 3 - chính quyền khu tự trị Kurdistan, đẩy chính quyền trung ương ở Baghdad vào thế phải phòng bị.

Iraq may mắn được sở hữu nguồn tài nguyên dầu hỏa phong phú, có thể khai thác với chi phí rẻ. Sản lượng dầu tăng cao trong 3 thập niên và vẫn đang tiếp tục tăng lên. Đến năm 2035, theo dự đoán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng dầu thô của Iraq có thể tăng hơn gấp đôi, tới 8,3 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, các công ty dầu hỏa phương Tây đang miễn cưỡng đóng một phần vai trò trong sự phát triển này. ExxonMobil đang bán cổ phần vốn đầu tư của họ ở Tây Qurna, một trong những mỏ dầu lớn ở nam Iraq. Shell và BP đang khai thác dầu ở miền Nam và cũng đều từng “kêu ca” về những phiền hà do cơ chế quản lý quan liêu và sự khắc phục chậm trễ về cơ sở hạ tầng khiến cho chi phí đội lên, lợi nhuận thì giảm bớt.

Dầu Mỏ Và Cuộc Tình Tay Ba  Khai_thac_dau_o_Kurdistan
Khai thác dầu mỏ ở Kurdistan

Cách đây 3 năm khi ký các hợp đồng với Chính phủ Iraq, những công ty này đã chuẩn bị tinh thần để đối phó với những trục trặc có thể xảy ra, nhưng sự kiên nhẫn của họ đã dần dà biến thành sự thất vọng do những biến động về nguồn dầu Iraq. Trong khi đó, Kurdistan, một tỉnh bán tự trị ở miền Bắc, lại đang đưa ra những cạnh tranh với những hợp đồng nhiều lợi nhuận hơn. Mặc dù chính phủ trung ương đã tuyên bố các hợp đồng dầu khí ký riêng với chính quyền người Kurd là bất hợp pháp nhưng một số công ty “phớt” như ExxonMobil, Gazprom,… vẫn “phớt”. Và thế là quyết định chuyển sang làm ăn với người Kurd của ExxonMobil để tranh thủ được 6 giếng dầu trong khu vực này từ năm 2011 đến bây giờ vẫn chưa làm nguôi ngoai sự tức giận của chính phủ trung ương. “Đại gia” dầu khí thế giới liên tiếp bị Baghdad hết cảnh cáo, “dọa dẫm” rút giấy phép đầu tư rồi “đánh trượt” khỏi danh sách nhà thầu đủ điều kiện tham gia vòng đấu thầu năng lượng tại nước sở tại.

Không chỉ “phớt” Baghdad trong các hợp đồng dầu khí ký riêng với các công ty nước ngoài, chính quyền Kurdistan mới đây còn muốn xây dựng một đường ống dẫn dầu mới của riêng người Kurd tới Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm thoát ra khỏi sự kiểm soát của chính phủ trung ương với đường ống dẫn dầu duy nhất hiện nay từ Kirkuk - Ceyhan. Nếu thành công, thỏa thuận cuối cùng có thể cho phép Kurdistan xuất khẩu 2 triệu thùng dầu/ngày đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, gấp 10 lần so với hiện nay. Những tưởng, dù có bị Kurdistan “ve vãn” thì Ankara muốn “vuốt mặt cũng phải nể mũi” nhưng “miếng bánh” Kurdistan quả thực rất khó từ chối khi khu vực này nắm giữ trữ lượng dầu mỏ tới 45 tỉ thùng trong khi với sức phát triển đang “nóng” của nền kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ rất cần năng lượng.

Thêm vào đó, những hứa hẹn về khoản phí quá cảnh qua đường ống này của người Kurd đặt ra với Ankara cũng rất hấp dẫn. Thực tế, trong 5 năm qua, mối quan hệ thương mại giữa Ankara và Kurkistan ngày càng phát triển rực rỡ. Năm ngoái, thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Kurdistan đã lên tới 8 tỉ USD và theo các nhà phân tích, dự báo khu vực tự trị sẽ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2013. Baghdad đương nhiên rất “nóng gáy” và đỉnh điểm căng thẳng mới đây là việc cấm máy bay chở Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ đi vào không phận Iraq vì mục đích chuyến đi của ông này là tới Kurdistan bàn hợp tác năng lượng.

Trò chơi nguy hiểm

Chính quyền Baghdad dường như đang muốn kiềm chế ngành công nghiệp dầu mỏ đang phát triển mạnh của người Kurd khi duy trì nguyên tắc chính quyền khu tự trị không có thẩm quyền pháp lý để xuất khẩu dầu mỏ độc lập hay ký hợp đồng riêng với bất kỳ đối tác nào. Đồng thời, họ cũng trì hoãn thanh toán cho các nhà xuất khẩu dầu ở Kurdistan khoản nợ được cho là khoảng 1,5 tỉ USD với nhiều lý do, trong đó có lý do khu tự trị tự ý ký hợp đồng riêng và không hoàn thành cam kết sản lượng xuất khẩu 200.000 thùng dầu/ngày. T

uy nhiên, không phải cứ “rắn” là được, những biện pháp mạnh tay này của Baghdad chỉ làm khắc sâu thêm xích mích đã tồn tại từ năm 1991 giữa người Kurd và chính phủ trung ương, tiếp thêm động lực nuôi dưỡng khát vọng ly khai độc lập của họ. Năm 2012 đã chứng kiến rất nhiều lần Kurdistan ngừng xuất khẩu dầu hoặc xuất khẩu “nhỏ giọt” để phản ứng với sự “chây ì” trả nợ của Baghdad và kết quả là ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu dầu nói chung của Iraq – đất nước đang nỗ lực “đổi đời” nhờ dầu mỏ.

Thực tế, xuất khẩu dầu hiện nay của người Kurd cũng sụt giảm xuống khoảng 30.000 thùng/ngày. Hơn nữa, đầu tư vào dầu mỏ ở khu vực tự trị đến nay cũng đã lên tới khoảng 10 tỉ USD, xuất khẩu dầu mỏ trong tương lai dự kiến còn lên tới 2 triệu thùng/ngày, mang lại một khoản thu rất lớn. Theo kế hoạch chia sẻ lợi nhuận của Iraq, hơn 4/5 lợi nhuận sẽ “chảy” vào ngân sách Baghdad và 17% còn lại thuộc về người Kurd. Nếu được lưu thông, dầu mỏ của Kurdistan sẽ đóng góp rất lớn cho ngân sách của Iraq. Và nếu 2 bên ý thức được điều này và kiềm chế “sự nóng nảy” của mình, đây sẽ là một mối quan hệ 2 bên cùng có lợi.

Trong khi đó, với Ankara, “chơi” với người Kurd cũng chẳng phải là một chuyện hay. Không chỉ “chọc giận” láng giềng Baghdad, “tiếp tay” cho mong muốn ly khai của Kurdistan, Ankara còn có khả năng “tự rước họa vào thân”. Bởi không chỉ có người Kurd ở Iraq muốn ly khai, cộng đồng người Kurd thiểu số ở Đông nam Thổ Nhĩ Kỳ cũng có chung mong muốn này từ lâu. Ankara cũng cần phải cân nhắc những ảnh hưởng từ quyết định hợp tác với Kurdistan của mình.

Tựu chung lại, Iraq, người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ đang chơi một trò chơi nguy hiểm!

Nguồn : http://www.petrotimes.vn/news/vn/quoc-te/dau-tien-quyen-luc/song-gio-cuoc-tinh-tay-ba.html

https://oilandgasclub.forumvi.com/

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết